Trong bài này, đôi khi tôi ôn lại những kỷ niệm
cũ không liên quan gì với đề tài chính, mong những mẩu chuyện ngoài đề đó giúp
các chiến hữu đọc giả nhớ lại quãng đời
chúng ta đội mũ đỏ phục vụ Quê Hương.
Thật tình cờ mà tôi lại dự trận Ấp Bắc chiều ngày mồng 2 tháng 1
năm 1963. Binh chủng Nhẩy dù hồi đó là lực lượng tổng trừ bị duy nhất của quân
đội, chiến trận chưa đến nỗi sôi bỏng
như các năm về sau, hoạt động địch quân hầu hết là du kích chiến hơn là trận
điạ chiến. Lữ đoàn nhẩy dù năm 1963 gồm 5 Tiểu đoàn tác chiến cùng các đơn vị
tiếp vận, đảm trách nhiệm vụ lính cứu hỏa cho toàn quốc, chỗ nào có chuyện gây cấn là được
Tổng Tham Mưu gọi đi chữa cháy.
Ngoài những đơn vị đi hành quân xa, tại Saigon
ngày nào cũng có 2 tiểu đoàn ứng trực: một tiểu đoàn trực hành quân bộ (ground
alert), với một đoàn xe GMC đậu sẵn trong doanh trại, có lệnh là lên xe đi. Một
tiểu đoàn trực hành quân không vận, được gọi là air alert : đơn vị ra nằm
sẵn tại phi trường Tân sơn Nhất, khi hữu sự thì lên máy bay đi can thiệp những
nơi dầu sôi lửa bỏng. Nếu từ sáng đến chiều không có chuyện gì xẩy ra, thì
chúng tôi chỉ nằm dài bên cạnh những bộ dù được xếp ngay ngắn ngay tại sân
bay, chúng tôi tán gẫu để giết thời
giờ, đọc sách báo hay đôi khi đánh boule cũng gọi là pétanque (một trò chơi
của quân đội Viễn chinh Pháp để lại)
Binh sĩ TÐ1ND mà tôi làm y sĩ
trưởng trong suốt 4 năm trời, rất chuộng trò chơi này. Họ còn đánh ăn tiền hay
nhậu la ve hết giờ nọ qua giờ kia và những tay thiện xạ ném boule là nhũng
chuyên viên uống bia Larue miễn phí. Hồi tôi mới về Dù, khu Chí hoà là nơi đóng quân của 3
đơn vị: cácTiểu đoàn 1, 3 và 6ND. Mỗi Tiểu đoàn có một sắc thái riêng biệt.
TD1ND đa số là người gốc Miên, lính rất chì, rất trung thành, da sạm đen, huy
chương và thâm niên công vụ đầy người. Hồi đầu tôi có cảm tưởng họ toàn anh em
với nhau vì tên họ đều là Thạch, Sơn hay Lý . TÐ3ND đóng ngay ngã tư Bảy Hiền
là giang sơn của người Nùng. Lính cũng rất chì, có lối ăn nói đặc biệt và khi
đụng trận súng mới nổ, đã thấy mấy que
hương khói nghi ngút buộc ở đầu súng, không hiểu được đốt lên từ lúc nào? Trước
mặtTÐ3 là doanh trại TÐ6ND, đơn vị nhẩy dù cuối cùng được thành lập trước khi
ký kết hiệp định Genève. Tiểu đoàn này đa số là dân Việt chính cống, ông Tiểu
đoàn trưởng là đại úy Ðỗ kế Giai, người điềm đạm, chậm rãi ít nói ít cười, được
anh em tặng cho cái biệt danh là Hoàng Tử, sau này là Thiếu tướng chỉ
huy binh chủng Biệt Ðộng Quân. Ông Tiểu đoàn phó, giáng dấp thư sinh, là đại úy
Lê nguyên Vỹ, đã tuẫn tiết ngày 30/4/75 trong khi giữ chức vụ Tư lệnh SÐ5BB.
Với số quân nhân đông đảo như vậy, các quán cà phê ăn uống xung quanh rất sầm
uất. Có một quán mà bà chủ, (tôi nghi đã có một dĩ vãng me tây hoặc chị
em ta, trừ khi là cả hai!..) rất am hiểu tâm lý và sinh lý mấy anh đực rựa
sung sức này. Bà ta thách đố anh nào có đủ tửu lượng uống hết 4 chai Larue cổ
cao trong hai tiếng đồng hồ, mà phải ngồi ở bàn không được đứng dậy. Nếu cầm cự
được mà không đứng dậy đi tiểu, thì bà ấy sẽ đãi tất cả miễn phí, kể cả đồ nhắm
(tôm khô, củ kiệu, thịt bò khô)! Theo các nạn nhân kể lại, không anh
nào cầm cự nổi hai tiếng mà không phải đứng dậy trước, và trong trường hợp này
lẽ dĩ nhiên là phải trả tiền tất cả những gì mình đã dùng. Kết quả là rất nhiều
binh lính mũ đỏ đã mất tiền cho bà này. Ði qua ngã tư Bảy Hiền là đến trại
Hoàng Hoa Thám, nơi bộ Tư lệnh của Binh chủng và các đơn vị trợ chiến.
Kiểm điểm các đơn vị ND
hồi đó mà không nói đến TÐ5ND đóng tại Thủ Ðức, là một thiếu sót. Tiểu đoàn này đã dự trận Ðiện
biên Phủ và đã chiến đãu tới phút chót cùng 5 Tiểu đoàn ND khác của Quân đội
Viễn Chinh Pháp; đơn vị đã được bổ xung lại sau hiệp định Genève.Người Tiểu
đoàn trưởng khét tiếng cua TD5ND là đại úy Ngô xuân Soạn, một con người sống
cho chiến tranh và vì chiến tranh. Thành tích chiến trận của ông, từ ngoài Bắc
vào đến trong Nam lừng danh trong hàng ngũ chúng tôi. Tiếc thay ông bị sát hại
khi đảo chính 11-11-60 bất thành. Tiểu đoàn chót là TD8ND, tham dự trận Ấp Bắc
mà tôi sắp kể, doanh trai đặt ngay trong can cứ Hoàng hoa Thám/ TSN . Chính tôi
cũng đã có công trong việc thành lập Tiểu đoàn này. Ðầu năm 1960, bác sĩ Của, xếp
của tôi, chỉ thị cho tôi mang một toán y tá ra Huế để tuyển mộ binh sĩ thành lập thêm một TÐND. Nghĩ phảỉ ra nằm ụ
nơi đất Kinh mấy tuần lễ, mặc dầu nhiều thi vị xong xa gia đình và Sài thành
hoa lệ, tôi đã nói ngay với anh Của: tại sao phải ra tận Huế mới kiếm được
lính nhẩy dù? Anh cho tôi mang loa ra quảng cáo ngay ngã tư Bảy Hiền và ngã ba
Ông Tạ, chỉ trong không đầy một tháng tôi sẽ kiếm đủ quân để thành lập
hai ba tiểu đoàn chứ một tiểu đoàn thì thấm gì! BS Của lắc đàu, nhăn đôi
lông mày nói lại với tôi: toa chả hiểu gì cả, đây là lệnh trên! Cụ , ám
chỉ Tổng thống Ngô đình Diệm, chỉ tin người Trung và muốn có một TÐND toàn
lính Trung! Tôi đành lắc đầu ra Huế mộ đủ binh sĩ để về thành lập thêm
TÐ8ND. Hồi xẩy ra cuộc đảo chính 11-11-60, một số lính Trung do tôi tuyển mộ,
trên nguyên tác phải trung thành với Cụ, đã không ngần ngại tuân lệnh
cấp chỉ huy bắn vào dinh ÐộcLập ! Sau đây tôi xin quay lại trận Ấp Bắc.
Ngày
2 tháng 1 năm 1963, TÐ8ND có nhiệm vụ ứng trực không vận ở phi trường Tân sơn
Nhất, một ngày trực có vẻ êm ả vì lúc đó đã đến gần 5 giờ chiều; chỉ độ hơn một
tiếng nữa là mọi người có quyền roméo (tục ngữ nhà binh có nghiã là rút
lui, đi về) về hậu cứ. Thì đùng một cái, có lệnh nhẩy hành quân. Trong những
năm đó, bác sĩ có bằng dù chỉ đếm trên đầu ngón tay; vì nhu cầu quân vụ, vài
bác sĩ không tình nguyện nhẩy cũng bị
chỉ định về Quân Y nhẩy dù. Mấy đồng
nghiệp đó chỉ chân trước chân sau, hễ có người thay thế là dọt Ðó là
trường hợp TÐ8ND chỉ có một bác sĩ đi bộ mà thôi. Tại Bộ Tư lệnh, lúc đó có
mình tôi. Bác sĩ Văn văn Của, Y sĩ trưởng Lữ đoàn, đang hành quân vùng Tây Ninh
trong một chiến dịch khác. Vì tình thế cấp bách, tôi phải chạy vội sang phi trường TSN để đi cùng TÐ8. Lúc đó gần
6 giờ chiều và một quang cảnh thật là hấp tấp diễn ra trước mặt tôi, các sĩ
quan thì vừa nhận được lệnh hành quân và bản đồ đang quay đầu bàn bạc với nhau,
binh sĩ thì mạnh ai nấy mang dù chứ ít được huấn luyện viên kiểm soát như trong
những lần nhẩy bồi dưỡng hay nhẩy trận mà tôi đã từng tham dự. Tôi nhớ chỉ đủ
thời giờ nói vài câu với ông bác sĩ của TÐ và chỉ kịp gặp anh y tá trưởng,
tôi không tiếp xúc được với tất cả các y tá khác để biết phương tiện cấp
cứu ra sao ( thời đó yểm trợ của Hoa Kỳ chưa được dồi dào nên vật liệu y tế còn
thô sơ hơn là sau 1965). Chính thân tôi lúc lên máy bay mà dù bụng còn cầm
trong tay! Thêm vào đó, ông cố vấn trưởng Lữ đoàn là đại tá Triplett đứng nhìn
chúng tôi leo lên phi cơ mà cứ lắc đầu: too late! too late! Trễ quá, trễ
quá...
Phi cơ thả chúng tôi là 7 chiếc C123 Fairchild với phi hành đoàn Hoa Kỳ, thả dù bằng hai cửa, khác với C47 Dakota chỉ có một cửa. Mỗi chiếc C123 thả được 40-45 quân nhân trong khi C47 chỉ chở được 25 người tối đa. Sau khi cất cánh, một sĩ quan cho tôi biết là sẽ nhẩy xuống ruộng và tôi nhớ là trong suốt chuyến bay tôi cứ vo viên một miếng giấy nhét vào họng khẩu súng carbine báng gấp, vì chỉ sợ nước hay bùn chui vào nòng súng..!
Rồi
đến lúc nhẩy. Dù vừa bọc thì tôi nghe như có mưa rào lên nón sắt, tôi ngửa mặt
lên thì thấy cánh dù mở to như thường
lệ và tôi thầm nghĩ là nếu có mưa đi nữa thì làm sao hạt nước mưa có thể rơi vào nón sắt tôi được. Liền sau đó tôi
nhìn xuống đất thì mới thấy cảnh hãi hùng: đạn lửa chằng chịt như một mạng
nhện, bắn tứ phiá và bắn lên chúng tôi! Hoá ra những tiếng mưa trên nón sắt chỉ
là tiếng súng dưới đất vang lên và bị lá dù cho dội lại mà thôi. Bình thường
khi nhẩy dù bồi dưỡng, ai cũng muốn rớt thật chậm để hưởng những giây phút thú
vị lơ lửng trên không, lần này sao mà tôi thấy mãi không xuống tới đất! Mà càng
xuống gần đất, tiếng súng nổ càng chát chúa, đến khi đáp xuống bùn ruộng thì
đạn bay vèo vèo, chỉ còn một nước là nằm úp mặt xuống đất, hay núp sau các bờ
ruộng để khỏi bể sọ. Lúc đó khoảng 18giờ30, trời bắt đầu tối, tầm nhìn xa bắt
đầu giới hạn. Một trực thăng trái chuối H21 vừa đáp sau lưng chúng tôi độ 300
thước bị một tia đạn lửa từ trong làng bắn ra và kịp thời bay đi. Ðã thử lửa
đôi lần khi hành quân, nghe đạn bay là thường, song khi quá nhiều đạn bay như
kỳ này, tôi có cảm tưởng là cả một bầu không khí rung chuyển xung quanh. Lần
đầu tiên tôi chứng kiến một người bị trúng đạn cách tôi có 5 thước, tôi nghe rõ
thấy như một quả đấm vào người lính đó
trước khi anh ta lăn quay ra. Trong khoảnh khắc sau khi đáp xuống ruộng trước
xã Ấp Bắc, đã có 3 binh sĩ bi thuong chung quanh tôi, tôi đã lấy 3 băng cá nhân
tôi có trên người, một trên mũ sắt, hai trong túi áo saut lấy vội ở hậu cứ trước khi đi, để mà băng
cho họ, may mà 3 thương binh này không bị nặng lắm. Một anh còn nói chuyện với
tôi suốt đêm, hai ngưoi núp sau một cái mả. Có một lúc anh ấy hỏi tôi có thuốc
chích cho anh ấy bớt đau không, tôi rất buồn phải trả lời là trong tay tôi
không có một thứ thuốc nào để có thể làm cho anh ấy bớt đau hết. Vừa trả lời
nguời thương binh vừa lo cho số phận mình, chẳng may bị thương thì ai săn sóc
mình đây, trong tay không còn đến một cuộn băng. Y tá của tôi thì giờ này ở
đâu? Cứ tính với đà nhẩy trung bình, thì khi xuống đất mỗi người phải cách nhau
ít nhất 50 thước; vậy toán y tá khoảng 20 người đi theo bác sĩ ở Ðại đội Chỉ
huy phải rải rác trên dưới một cây số, cần ít nhất 30 phút để tập họp trong
điều kiện bình thường. Nay trời đã tối, địch trong các điạ điểm làm sẵn trong
xã Ấp Bắc, nhìn thấy chúng tôi rất rõ và không cho phép chúng tôi tập họp để
lấy đội hình tấn công, ai nấy nằm bẹp tại chỗ. Báo hại thỉnh thoảng lại có một
quả hỏa tiêu chiếu sáng từ đâu bắn tới, làm tất cả bãi ruộng sáng như ban ngày,
và địch thừa thế từ trong làng cứ bắn sẻ hoặc bắn ra như mưa. Dần dần, tôi thấy
chừng ba bốn sĩ quan trong đó có đại úy Tiểu đoàn phó, đứng cách chỗ tôi độ vài
chục thước, bàn tính cách đối phó trong tình cảnh nguy hiểm này.Trời đã tối
hẳn, chạy từ thương binh này sang thương binh kia, tôi cũng được các vị này cho
biết là chỉ có nửa tiểu đoàn nhẩy mà
thôi, phần còn lại cùng ông Tiểu đoàn trưởng kẹt lại phi trường TSN vì trời tối
máy bay không thả được nữa. Tình thế lúc đó thật là éo le: một nửa TÐ8ND nằm
dài trên một cây số ngoài đồng ruộng, tập hợp rất khó khăn, không có yểm trợ
phi pháo, hoả lực cơ hữu ngoài vũ khí cá nhân chỉ có mấy khẩu đại liên 30, súng
cối của đơn vị (60 hay 81 ly) một mặt tản mát, một mặt ruộng xình lầy không đặt
bàn tiếp hậu được. Tôi hiểu qua các đàm thoại của mấy ông Ðại đội trưởng, là
với quân số tập trung lại được, hai ba cuộc tấn công lẻ tẻ của ta vào làng đều
bị đẩy lui. Trong tình thế rối beng đó, một vị đại đội trưởng, đại úy Phạm huy
Sảnh thì phải, gặp tôi và nói: bác sĩ ơi, ở bià làng bị thương nhiều lắm,
bác sĩ lên đó coi xem sao Tôi nhớ có trả lời đại úy Sảnh: đại úy muốn
tôi lên thì tôi lên ,song trong tay tôi không còn một thứ gì để săn sóc thương
binh cả, y tá của tôi không có lấy một người, tôi làm gì được bây giờ?...
Phân vân không biết xử trí ra sao, rồi
nghĩ biết đâu với hai bàn tay trắng, may ra tôi có thể làm được một cái gì
chăng?..Lúc đó một anh lính ngơ ngác đi qua, tôi vội chộp lấy anh ấy: nếu
cậu không biết đi đâu thì cậu đi với tôi đến gần làng xem có ai bị thương, mình
có thể di tản về khu tương đối an toàn sau mấy gò mả này. Trời tối đen,
thỉnh thoảng có vài viên đạn lửa bay trên đầu, tôi và anh binh sĩ mò mẫm bò
theo các bờ đê nhỏ tiến về phiá làng cách xa độ hai ba trăm thước. Lết được một
lúc, không biết bao xa, không gặp một thương binh nào hết, tôi có cảm tưởng là
chúng tôi đang ở cái no mans land
giữa bạn và địch, đêm thì tối om... Hai
chúng tôi đồng quyết định quay về vị trí cũ vì ở chỗ này nguy hiểm quá!
Và cứ như thế cho đến sáng, tôi cứ thấy mấy ông sĩ quan xem bản đồ và bàn kế to
nhỏ với nhau. Tôi quả quyết là suốt đêm đó, không một quả đại bác nào được bắn
vào đám địch quân đóng trong làng trước mặt chúng tôi. Cũng may là chúng không có súng cối hay súng không giật (SKZ)
bắn ra. Tôi giám cam đoan là lúc đó chỉ cần pháo binh bạn yểm trợ vài chục quả
105 vào bià làng là chúng tôi có thể tấn công
và có triển vọng thanh toán mục tiêu mặc dầu quân số chỉ có nửa tiểu
đoàn. Vậy pháo binh Tiểu khu, pháo binh SÐ7BB đâu? Tôi không thấy có tiền sát
viên pháo binh tiền tuyến, và nếu tôi không nhầm thì TÐ8 chẳng có liên lạc gì
được với Bộ Tư lệnh Hành quân ở Tân Hiệp hay Mỹ Tho. Khi trời tờ mờ sáng thì
tiếng súng thưa thớt rồi im hẳn. Lúc đó tôi gặp anh đại úy Mỹ cố vấn của Tiểu
đoàn, bị thương ở cánh tay. Tôi hỏi ông
ta có cần tôi làm băng lại không vì đám y tá của tôi bắt đầu đến, vị đại úy này
lắc đàu và thở dài một cách chán nản. Chúng tôi thận trọng vào làng thì địch đã
rút, chỉ còn mấy chỗ đặt súng đại liên cùng các hố chiến đãu cá nhân và ít vỏ
đạn. Chúng tôi thu tập được mấy binh sĩ nhẩy dù rớt vào làng bị địch giết,
người còn đeo đai dù nhưng lá dù thì đã bị địch cắt mang đi. Thấy cảnh này, tôi
thật hồi hộp nghĩ lại chuyến nhẩy tối hôm qua: theo tục lệ, lúc nào sĩ quan hay
cán bộ chỉ huy cũng nhẩy đầu. Trong trường hợp này vì nhẩy đầu nên tôi đáp
xuống ruộng ở ngoài làng, còn binh sĩ nhẩy sau, một vài người không may đã rớt
lạc vô làng và bị sát hại. Giá phi cơ thả ngược hướng, thì sĩ quan hoặc cán bộ
sẽ có triển vọng rớt vô làng rồi...Sau khi kiểm điểm sơ tổn thất, 18 tử thương
và độ 30 bị thương, TÐ8 rút bằng đường bộ và chiều ngày hôm đó ra tới đường cái
đi lục tỉnh, xe đò chở hành khách chạy ngược xuôi như trong thời bình.
Ðã chọn đời sống ngang dọc với một binh chủng khét tiếng chiến đấu, tôi không có quyền lo sợ hay ta thán khi gặp nguy hiểm, song xuýt chết trong một cuộc hành quân lãng nhách làm tôi bực bội và nghĩ ngợi liên miên trên con đường rút quân. Các sĩ quan khác chắc cũng cùng một mối ưu tư như tôi, nên chẳng ai nói với ai cho đến khi Tiểu đoàn về tới hậu cứ .
Ngày
hôm sau, tôi sang TYV Cộng Hoà thăm các thương binh TÐ8ND và tạt luôn vào US
3rd Field Hospital tọa lạc ngay trước Bộ TTM, để thăm viên đại úy cố vấn bị thương. Vì thoát hiểm cùng với nhau và có
lẽ tính tôi thích nói chuyện quân sự, nên chúng tôi có cảm tình ngay với nhau
và thẳng thắn trao đổi ý kiến về cuộc hành quân ly kỳ này. Anh đại úy này cùng
chia sẻ lập trường của tôi về cách sử dụng TÐ8ND và tất cả những thiếu sót
trong việc phối hợp điều hành trận đánh. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng anh ta cứ lắc
đầu với câu number ten... (hạng chót), tục ngữ nhà binh Mỹ mô tả cái
gì bết bát bê bối, (ngược lại với câu number
one - số dách - để chỉ những gì hay ho, đáng khen đáng phục). Hai chúng
tôi cũng hứa với nhau là sẽ cho nhau biết thêm tin tức về trận đánh này, anh ấy
dò la bên phiá cố vấn Mỹ, tôi thì tìm hiểu bên phiá VN. Chúng tôi còn gặp nhau
vài lần sau đó và được biết tình hình ngày hôm đó đại để như sau: trong những
ngày cuối năm 1962, tin tức tình báo và cơ quan kiểm thính cho biết tại xã Tân
Thới và Ấp Bắc, hai thôn nhỏ nằm cạnh
nhau, có một đài phát thanh VC hoạt động với sự hiện diện của độ hơn 100 du
kích võ trang. Tướng Huỳnh văn Cao, vừa được chỉ định làmTư lệnh V4CT, mở cuộc
hành quân tảo thanh hai mục tiêu này với sự yểm trợ của trực thăng Hoa Kỳ. Cuộc
hành quân khởi diễn sáng sớm ngày 2 tháng 1, 1963: một TÐ bộ binh của SÐ7 (Ðại
tá Bùi đình Ðạm vừa được cử làm Tư lệnh), được trực thăng vận đến phiá bắc xã
Tân Thới, để đánh chiếm xã này, hai tiểu đoàn Bảo An được điều động đến phiá
nam Ấp Bắc để tảo thanh Ấp này và tiến lên nắm tay đon vị từ phiá bắc đánh
xuống. Một đon vị thiết giáp gồm 13 chiếc
M113 tiến đánh hai xã này từ phiá Tây, mỗi chiếc xe bọc sắt M113 chở
thêm một tiểu đội lính, những binh sĩ này sẽ nhẩy ra khỏi xe để phối hợp tấn
công khi hữu sự. Các M113 đều trang bị đại liên 50 (12ly7) với tầm bắn hữu hiệu
và độ phá hơn đại liên 30 rất nhiều, có một chiếc còn gắn thêm súng phun lửa.
Yểm trợ hỏa lực của ta, ngoài pháo binh còn có phi cơ khu trục và lần đầu tiên
trực thăng võ trang Hueys (HU 1 B). Ba tiểu đoàn của ta gặp sự kháng cự mạnh
của địch cố thủ trong Tân Thới và Ấp Bắc. Quân số địch không phải một đại đội
mà là một tiểu đoàn, sẵn sàng chống cự các cuộc tấn công của ta (Cộng quân đã
theo rõi được tất cả việc điều quân của ta qua hệ thống truyền tin). Các đơn vị
bộ binh không vào được Tân Thới cũng không vào được Ấp Bắc và bị thiệt hại nặng
về nhân mạng. Ðại đội M113, vì xình lầy và hỏa lực địch, cũng bị thiệt hại nhân
mạng (các xạ thủ đại liên 50 chưa được bảo vệ bởi lá chắn đạn thép gắn trước
súng đã lần lượt bị thương hay tử thương) và không yểm trợ gì được cho quân bạn
và cũng không chọc thủng được phòng tuyến của địch. Yểm trợ phi pháo ít chính
xác, nếu không phải vô hiệu vì địch ẩn náu rất kỹ. Ðến 15giờ ngày hôm đó, tình
hình được coi như sau: một Tiểu đoàn VC trấn giữ Ấp Bắc đã đẩy lui các đơn vị
bộ binh của SÐ7 cùng một đại đội thiết giáp M113, mặc dầu có Pháo binh và Không
quân yểm trợ; Hoa Kỳ còn mất 5 trực thăng, vừa H21 vừa HU 1 B. Về phiá ta,
không lúc nào một cấp chỉ huy cao cấp có mặt tại trận địa (Tư lệnh Vùng, Trung
đoàn, Sư doàn ,Tiểu khu...) để kịp thời có quyết định thích ứng, và chỉ theo
rõi diễn tiến và ra chỉ thị tại bộ tư lệnh hành quân ở Tân Hiệp, phó mặc các
cán bộ cấp úy lo liệu tại chỗ. Thấy tình hình
không ổn, tướng Cao mới gọi Nhẩy dù xuống tiếp viện, song quá muộn và
trong điều kiện vô cùng bất lợi. Ðược biết trong cuộc hành quân này, đã có sự
bất đồng ý giữa VN và các cố vấn Mỹ ngay tại cấp Quân đoàn. Ông đại úy cố vấn
TÐ8ND cho biết là các cấp trên của ông đánh giá rất thấp tài năng chỉ huy của
VN trong cuộc HQ này. Không hiểu chuyện này có đến tai đại tá Cao văn Viên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Nhây dù không?
Sau
1975, di cư ra nước ngoài tôi được đọc nhiều sách báo về chiến tranh Việt Nam,
sách của phiá Mỹ thường bất lợi cho miền Nam Tự do. Tuy nhiên, sau cái thảm họa
vô tiền khoáng hậu của Ðất Nước, tôi nghĩ mình phải nhìn lại chiến sử một cách
khách quan chứ không nên lúc nào cũng cho mình phải và đổ lỗi lên đầu người
khác. Riêng về trận Ấp Bắc, tôi được biết thêm là có sự hiềm khích và bất đồng
ý kiến giữa tướng Cao và cố vấn Trung tá JP Vann: ngày hôm đó, ông này thường
xuyên bay trên Ấp Bắc bằng phi cơ L19 để quan sát và đốc thúc các đơn vị dưới
đất, trong khi đó tướng Cao chỉ ở Bộ tư lệnh hành quân. Những đề nghị của JP
Vann ít khi được chấp nhận thi hành, từ việc điều khiển các đơn vị bộ binh cho
đến việc xử dụng TÐ8ND quá trễ và không đúng chỗ (nếu thả sớm hơn, trước 16
giờ, thì còn đủ thời giờ thả cả một tiểu đoàn chứ không phải 1/2 tiểu đoàn trong điều kiện vô cùng bất lợi và
nhất là phải cho quân nhẩy dù đáp xuống phiá đông Ấp Bắc để chặn đường rút của
địch, chứ không phải ở phiá tây đã có mặt quân ta). Quả nhiên tối hôm đó địch
đã rút lui một cách ngon lành về phía đông mang theo chết ( chắc chắn ít hơn ta)
và bị thương. Cũng được biết là quân số VC là 350 người, chỉ có vũ khí cá nhân
và đại liên 30, sau này mới được biết thêm chúng có một súng cối 60. Nói về
lãnh đạo chỉ huy, nếu các sĩ quan cao cấp bên ta chịu khó đến ngay mặt trận đôn đốc binh sĩ, giám liều bay thám sát trận
địa để lấy quyết định nhanh chóng tại chỗ, thì Ấp Bắc chắc chắn phải là một
thắng lợi lớn của Quân đội Quốc Gia.
Người
ta đã nói nhiều về JP Vann, cố vấn SÐ7BB, sau này là cố vấn trưởng tại Cao
nguyên Trung phần. Anh này mang tiếng là thực dân, hống hách, độc tài,
lúc nào cũng muốn chỉ huy...Tôi không được biết và không hề gặp người sĩ quan
đồng minh này, song theo sách vở kể lại thì JP Vann đã xả thân trong trận Ấp
Bắc để cố kéo chiến thắng về phiá ta . Và đã không ngớt lời chỉ trích các tướng
tá Viêt Nam sau trận này. Trong đời binh nghiệp, tôi đã có cơ hội làm việc
nhiều với các cố vấn Mỹ, từ cấp nhỏ (Tiểu đoàn) đến cấp lớn (Tổng tham mưu).
Tôi khẳng định không một người cố vấn nào sách nhiễu tham nhũng, khinh miệt
hoặc bắt chúng tôi phục vụ cá nhân họ. Có cố vấn hiền hậu vui tính, có cố vấn
căn cơ tỉ mỉ, cũng có vài cố vấn khó tính khó ưa, song người nào cũng
chỉ muốn giúp cho Quân đội ta khá lên mà thôi. Tôi chỉ xin đặt lại một câu
hỏi : trong ngày 2-1-1963, có vị chỉ huy cao cấp VN nào bay cùng JP Vann
trên bầu trời Ấp Bắc không? Có vị nào lấm bùn đôi giầy trận, nghe đạn bay trên
đầu với các binh sĩ trước xã Tân Thới và Ấp Bắc không?
Mới
đây, tôi được đọc một bài của Trung tướng Tôn thất Ðính viết về Ấp Bắc. Bài khá
dài, đọc đi đọc lại mới rút tiả được hai kết luận:
1/ Chúng ta đa thua trận Ấp Bắc
2/ Ông Ngô đình Nhu, nhân vật quan trọng trong chính quyền hồi đó,
rất xung khắc với người Mỹ, và đã làm đủ mọi cách để tỏ cho người Mỹ biết là họ
không thể thắng trận nếu họ cứ muốn chỉ
huy.
Nếu đúng như vậy, Tướng Cao, người đảng Cần Lao
tuyệt đối trung thành với nhà Ngô, đã theo đường lối đó và không bao giờ đếm
sỉa đến ý kiến của Mỹ, tức cố vấn JP Vann hồi bấy giờ. Cộng thêm cái tài năng
chỉ huy thấp kém, luôn luôn sợ sệt bị thất sủng nếu phải báo cáo lên Cụ
tổn thất của phe ta, ông đã dâng cho VC một chiến thắng mà chúng không ngờ.
Bác sĩ Hoàng Cơ Lân
Cựu Y sĩ trưởng SÐND/ QLVNCH